Vinamilk (VNM – Nắm giữ) đã tổ chức buổi gặp mặt với nhà đầu tư và chuyên viên phân tích vào thứ 6 (ngày 9/8/2019). Dưới đây là những ghi nhận chính của chúng tôi tại hội nghị.
- Thị phần
Theo ban lãnh đạo, VNM đã tăng thêm 0,4% thị phần trong 6 tháng đầu năm, đạt mức thị phần 59% vào cuối tháng 6.
- Tăng trưởng doanh thu theo từng loại sản phẩm trong 6 tháng đầu năm: Công ty không tiết lộ giá trị doanh thu và tăng trưởng doanh thu theo từng loại sản phẩm, nhưng chúng tôi được biết: − Sữa nước tăng trưởng nhanh nhất trong các loại sản phẩm,
− Các sản phẩm đồ uống không phải sữa đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2018, và
− Mức tăng trưởng ở thành thị và nông thôn tương tự nhau.
- Sản phẩm mới trong 6 tháng đầu năm: Có một số sản phẩm thú vị mới ra mắt trong 6 tháng đầu năm nay bao gồm.
− Sữa bột Organic: VNM gọi đó là dòng sữa bột “siêu cao cấp”. VNM dường như đang dẫn đầu xu hướng organic trên thị trường sữa. Ban lãnh đạo tự tin vào khả năng mở rộng quy mô của các trang trại hữu cơ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với các sản phẩm cao cấp này.
− Thức uống năng lượng “Power”, tập trung vào phân khúc khách hàng người trưởng thành, được ra mắt vào đầu tháng 4.
− Thức uống năng lượng “My Joy”, nhắm đến khách hàng mục tiêu thanh thiếu niên, được ra mắt vào đầu tháng 6.
− Trà sữa “Happy”, cũng nhắm đến khách hàng mục tiêu thanh thiếu niên, được ra mắt vào giữa tháng 7.
− Sữa chua uống tươi Vinamilk là sản phẩm mới thuộc phân khúc sữa chua uống.
− Sữa gạo “Zori”. Sản phẩm được kết hợp từ gạo và sữa bò, Công ty ra mắt sản phẩm này nhằm nắm bắt xu hướng sữa thực vật. Năm ngoái, Công ty đã cho ra mắt sữa đậu nành óc chó và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
− Nước dừa “Cocofresh” là một sản phẩm khác mới được ra mắt trong nửa đầu năm.
Nhận định của HSC: Mặc dù đóng góp từ các sản phẩm mới này vào doanh thu không đáng kể trong 6 tháng đầu năm, nhưng chúng tôi thấy rằng VNM đã chủ động hơn trong việc nắm bắt những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng và thực sự muốn mở rộng tệp khách hàng ra thanh thiếu niên và người trưởng thành, từ một danh mục sản phẩm tập trung vào trẻ em trước đó. Điều này là động lực tích cực cho tương lai dài hạn của Công ty.
- Tỷ suất lợi nhuận
− Giá sữa nguyên liệu tăng hơn 10% nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp Q2 (ở mức 48%) khả quan hơn Q1(ở mức 46,7%) vì: (1) giá bán bình quân tăng 2% vào đầu Q2 và (2) chi phí quản lý được kiểm soát hiệu quả hơn so với quý liền trước.
− Chi phí quản lý & bán hàng/doanh thu sát với kỳ vọng của Công ty.
Nhận định của HSC: Giá bán bình quân tăng 2% không đủ để bù cho chi phí đầu vào tăng. Dường như tỷ trọng sản phẩm trong Q2 tốt hơn Q1, với sự đóng góp lớn hơn từ các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như sữa bột.
- Phân phối: Tại thời điểm cuối tháng 6, sản phẩm của VNM đã phủ ở 270.000 điểm bán hàng, tăng 17,4% so với 230,000 điểm bán vào thời điểm đầu năm. Trong số đó, có 70.00080.000 điểm bán hàng có thể bán các sản phẩm đông lạnh.
Cơ cấu kênh bán hàng
− Kênh bán hàng hiện đại (MT): Trong 3 năm qua, kênh bán hàng hiện đại tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, với sự hiện diện và mở rộng mạnh mẽ của nhiều chuỗi bán lẻ. VNM đã bắt kịp xu hướng này, các sản phẩm của Công ty có mặt tại tất cả các cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của VNM từ kênh bán hàng hiện đại tăng trưởng ở mức hai con số. Công ty hiện có 20.000 điểm bán hàng hiện đại.
− Kênh bán truyền thống (GT): Doanh thu bán hàng từ kênh bán truyền thống tăng trưởng ở mức một con số. Các sản phẩm của công ty hiện đang có tại 250.000 điểm bán hàng truyền thông.
Nhận định của HSC: Do sự tăng trưởng nhanh chóng của kênh bán hàng hiện đại, cơ cấu doanh thu của VNM theo từng kênh đã thay đổi. Tỷ lệ doanh thu từ kênh bán hàng truyền thống đã giảm từ 85-90% trong những năm qua xuống còn 80% trong Q1/2019. Trong khi đó, đóng góp của kênh bán hàng hiện đại đã tăng từ 10-15% lên 20% trong Q1/2019. Doanh thu theo từng kênh bán hàng trong Q2 chưa được cơ cấu, tuy nhiên, chúng tôi tin rằng kênh bán hàng hiện đại sẽ đóng góp doanh thu cho VNM nhiều hơn trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, do tỷ suất lợi nhuận gộp của kênh bán hàng hiện đại thấp hơn kênh bán hàng truyền thống..
- Triển vọng ngành: Ban lãnh đạo tin rằng ngành sẽ phục hồi bởi mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp và sữa là thực phẩm bổ dưỡng không thể thay thế. Họ nghĩ rằng sự suy giảm trong năm 2018 là bất thường và sẽ không lặp lại.
- Chi tiết quan trọng về chiến lược của Công ty
− Ban lãnh đạo cho rằng thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng nhất đối với VNM, và thị trường xuất khẩu chỉ mang tính bổ trợ.
− VNM sẽ tiếp tục cao cấp hóa sản phẩm bằng cách mở rộng quy mô sản xuất và bán hàng của các sản phẩm organic hiện tại và ra mắt các sản phẩm organic mới.
− Quy mô thị trường sữa thực vật tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, do đó, các sản phẩm từ thực vật không phải là sản phẩm tập trung của VNM trong vài năm tới. Về sữa đậu nành, VNM sẽ thâm nhập vào các phân khúc ngách thị trường thay vì cố gắng chiếm vị trí số một trong phân khúc chính.
− Công ty sẽ tăng tỷ lệ các sản phẩm “ít đường” và các sản phẩm “không đường” trong danh mục sản phẩm.
− VNM đã trúng thầu và đã trở thành nhà cung cấp cho các chương trình sữa học đường ở hầu hết các tỉnh thành trong nước trong năm 2019. Công ty sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu sữa học đường trong những năm tới.
− Về việc đầu tư vào GTN Foods, VNM có hai phương án: (1) giữ tỷ lệ sở hữu hiện tại ở mức 40,7% và khoản đầu tư vào GTN là khoản đầu tư tài chính hoặc (2) tăng quyền sở hữu. Ban lãnh đạo chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu VNM
HSC duy trì dự báo và khuyến nghị cho VNM. Trong năm 2019 chúng tôi duy trì dự báo doanh thu thuần là 56.409 tỷ đồng, tăng 7,3% và LNST của cổ đông công ty mẹ là 10.758 tỷ đồng (tăng 5,2% so với năm ngoái).
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 129.648đ dựa trên phương pháp so sánh P/E bình quân với các doanh nghiệp cùng ngành, tương đương P/E năm 2019 là 23,3 lần.
Nguồn: HSC